Việc SapoMart Giảng Võ, SapoMart Hồ Tây đã đóng cửa trong khi SapoMart Hà Đông đang “xả hàng” để “cải tạo mặt bằng” những ngày gần đây khiến dư luận đồn đoán về khả năng SapoMart sẽ đổi chủ trong tương lai gần. Gần như đồng thời, ngày 7/1/2016, METRO và TCC đã hoàn tất thương vụ chuyển giao METRO Cash & Cary VN với trị giá 655 triệu Euro.
Dự báo cuộc đua nước rút giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nước ngoài đến hồi khốc liệt khi mà ngay những ngày đầu tiên của năm 2016, một thương hiệu bán lẻ nữa có nguy cơ rời bỏ thị trường. Nhưng nếu chỉ nhìn vào thực trạng đang diễn ra, có vẻ như thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứa đựng khá nhiều mâu thuẫn, nghịch lý và có thể đúc kết ngắn gọn: trong chán- ngoài thèm!
Thay tên… không đổi vận
Cần phải nói thêm rằng, chỉ cách đây một năm, SapoMart được đổi tên, thay đổi bộ thương hiệu mới từ Hiway Supercenter. Nhưng dường như việc thay tên đã không thể đổi vận dù trước đó Hiway Supercenter đặt ra khá nhiều tham vọng. Khi mới thành lập, lãnh đạo Công ty cổ phần Hiway Việt Nam từng cho biết, Công ty quyết tâm đưa hệ thống siêu thị này trở thành thân thiện số 1 tại Việt Nam. Phát triển hệ thống 10 siêu thị trong năm 2015, 20 siêu thị đến hết năm 2016. Số phận của SapoMart sẽ sớm được định đoạt và rất có thể đây sẽ là thương hiệu bán lẻ đầu tiên của năm 2016 rời bỏ thị trường. Dù không phải là một thương hiệu lớn nhưng dường như đây như một dự cảm, một minh chứng cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang vào cuộc đua ngày càng khốc liệt. Và nếu có một cuộc bình chọn về các sự kiện của ngành bán lẻ, chắc hẳn hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) sẽ xếp đầu bảng trong năm 2015 với hàng chục thương vụ diễn ra.
SapoMart dừng hoạt động hoặc đổi chủ là điều đáng tiếc nhưng có thể lại là sự may mắn cho cổ đông lớn nhất của thương hiệu này là Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (một Doanh nghiệp trước đó không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ) để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình. Nói theo cách “nôm na”, bán được SapoMart nhanh chừng nào, Sơn Hà “cắt lỗ” sớm chừng đó.
Bởi ngay cả Parkson, một thương hiệu có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ cũng đã phải đóng cửa một số trung tâm mua sắm tại Việt Nam. Những ngày cuối năm 2015, Tập đoàn Casino (Pháp), sở hữu chuỗi siêu thị Big C cũng đánh tiếng rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Đây là tập đoàn bán lẻ thứ 2 sau Metro Cash & Carry (Đức). Câu hỏi đặt ra là với rất nhiều xáo trộn trong năm 2015, cục diện thị trường bán lẻ Việt Nam 2016 sẽ như thế nào? Xét về tổng thể, xu hướng ngoại hoá đang chủ đạo và dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng liệu có cơ may nào nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến 2020, Việt Nam sẽ có 1.300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại.
Nội – ngoại đua nước rút
Những khó khăn và cả cơ hội đối với thị trường bán lẻ Việt Nam đã được dự báo từ rất sớm. Ngay từ năm 2007, ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các đại gia bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước vốn còn rất non trẻ đã đưa ra quy định: Các doanh nghiệp bán lẻ khi mở từ cơ sở thứ 2 (có diện tích trên 500 m2) trở đi sẽ phải kiểm tra nhu cầu kinh tế tại địa bàn theo các tiêu chí: Số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư và quy mô của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ. Nhưng đáng tiếc, Việt Nam đã không vận dụng và thực thi tốt các quy định này. Dẫn tới, một cuộc đua nước rút giữa các doanh nghiệp bán lẻ nội và nước ngoài đang diễn ra khá khốc liệt.
Trong những đại gia bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam gần đây, Aeon cho thấy rõ tham vọng hơn cả. Không chỉ mua lại 49% cổ phần Citimart và 30% cổ phần của Fivimart trong năm 2015, mới đây Aeon đã chính thức khai trương Aeon Mall Long Biên. Đây là trung tâm thương mại thứ 3 tại Việt Nam và đầu tiên tại Hà Nội của tập đoàn này. Tập đoàn này cũng đặt kỳ vọng rất lớn khi diện Aeon coi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia. Đồng thời dự kiến sẽ mở 200 siêu thị, cửa hàng trên khắp cả nước.
Đối với các Doanh nghiệp trong nước, Saigon Co.op vẫn nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Năm 2015, doanh thu của thương hiệu này đạt trên 26.000 tỷ đồng, gấp đôi so với hệ thống BigC. Saigon Co.op cũng đặt mục tiêu mở thêm 6 siêu thị Co.opmart, 1 đại siêu thị Co.opExtra, 30 cửa hàng Co.op Food và một trung tâm thương mại Sense City trong năm 2015.
Nhưng để nói về tương lai, hệ thống VinMart của Tập đoàn Vingroup đang nổi lên như một hiện tượng. Chỉ sau hơn 1 năm, tổng số cửa hàng thuộc hệ thống Siêu thị VinMart đã đi vào vận hành đạt tới con số 39 trên cả nước. Không những vậy với tiềm lực tài chính hùng mạnh, trong năm 2015, Tập đoàn Vingroup lần lượt thâu tóm Vinatexmart, Ocean Mart, Maximark. Với những gì đang triển khai, cũng như tiềm lực của mình, có lẽ trong tương lai VinMart sẽ là một trong số ít thương hiệu Việt có thể cạnh tranh với “đại gia” bán lẻ nước ngoài. Nhưng đó là về lý thuyết, chỉ tài chính không chưa đủ và VinMart là một “tay ngang” trong lĩnh vực bán lẻ hoạt động hơn 1 năm. Sự thất bại SapoMart là một bài học nhãn tiền của những người “ngoại đạo” muốn tham gia vào thị trường bán lẻ. Cũng phải lưu ý thêm rằng Vingroup vừa mới chuyển nhượng 3,1 triệu cổ phần tại Cty thời trang Emigo Việt Nam, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 70% xuống còn 39% vốn điều lệ. Như vậy, Vingroup sẽ không còn là Công ty mẹ của thời trang Emigo. Vì vậy, trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, với sự “lão luyện” của mình, VinMart đối với Vingroup có thể là chỉ một danh mục đầu tư hơn là một ngành kinh doanh.
Mới đây, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2015 ước đạt 2.469,9 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 109,77 tỷ USD), tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, Trong khi kênh phần phối hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này cho thấy dư địa cho ngành bán lẻ còn rất lớn. Và với thực trạng đang diễn ra, nếu có thêm thương hiệu doanh nghiệp bán lẻ nào nữa phải ngừng hoạt động hoặc “bán mình” trong năm 2016 cũng không phải là điều quá bất ngờ. Nó chỉ minh chứng thêm rằng đây không chỉ là sự thất bại của doanh nghiệp mà là sự thất bại của chính sách thương mại.
Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, để thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ nói chung và các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nói riêng trước hết về phía Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương trong cả nước cần thúc đẩy nhanh và kiến tạo môi trường kinh doanh thương mại minh bạch, công khai, bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trên thị trường.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có những chính sách phù hợp, không vi phạm các cam kết quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa kinh doanh bán lẻ. Và đặc biệt, cần tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, bởi nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có thể có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc.
Theo DĐDN