- 05-09-2016
- Danh mục: Quản Trị Doanh Nghiệp
Bạn muốn nói trước công chúng, nhưng chân bạn cứ run trước khi bạn bước lên sân khấu. Bạn muốn mở rộng các mối quan hệ, nhưng bạn lại rất e dè khi gặp người lạ. Phát biểu ý kiến trong các buổi họp là cơ hội để bạn thể hiện bản thân, nhưng bạn cứ sợ mình sẽ nói điều gì sai. Những tình huống quan trọng cho sự nghiệp của bạn nhưng lúc nào bạn cũng cảm thấy sợ hãi. Một câu trả lời dễ dàng nhất cho những tình huống này là bạn cứ tránh né. Đâu phải bạn muốn cảm thấy sợ hãi khi bạn không muốn đúng không?
Vấn đề là, những việc này dù khiến bạn không thoải mái nhưng thực sự cần thiết. Bởi vì chúng ta đều phải tự phát triển bản thân và học hỏi nhiều hơn cho sự nghiệp của mình, ai cũng thường xuyên đối mặt với những tình huống mà qua đó bạn phải điều chỉnh hành vi của bản thân. Môi trường làm việc ngày nay yêu cầu mỗi cá nhân phải như thế. Nếu không có kỹ năng và lòng can đảm để vượt qua, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng để tiến xa trên con đường sự nghiệp. Làm thế nào chúng ta có thể thôi suy nghĩ về việc lúc nào cũng phải thích ứng với những công việc khó khăn nhưng tràn đầy lợi ích thế này?
Trước tiên, bạn phải thành thật với chính bản thân mình.
Khi bạn quyết định từ bỏ cơ hội diễn thuyết tại một hội thảo, có phải vì bạn không có thời gian, hay vì bạn sợ bước lên bục và thuyết trình? Hãy xem danh sách những lý do bạn đặt ra để tránh những tình huống không nằm trong vùng an toàn của bạn, và xem xét lại xem là lý do có chính đáng hay không. Nếu như người khác gặp tình huống giống bạn và họ cũng đưa ra lý do như vậy, bạn có cảm thấy thuyết phục hay không? Tất nhiên câu trả lời không bao giờ rõ ràng, nhưng ít ra bạn sẽ bắt đầu thành thật với bản thân mình nhiều hơn về những quyết định trốn tránh.
Sau đó, hãy điều chỉnh hành vi của mình.
Thông thường bạn có thể gặp khó khăn khi nói về những việc nhỏ, nhưng nếu bạn biết nhiều về một chủ đề nào đó thì bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn. Hoặc bạn thấy việc phải giao lưu gặp gỡ nhiều người cũng là việc khó khăn, ngoại trừ trong không gian thân mật.
Nhận ra những cơ hội này và tận dụng cơ hội – đừng để thành công chỉ đến ngẫu nhiên. Trong nhiều năm liền, tác giả bài viết này đã làm việc chung với nhiều người từng gặp khó khăn trong việc bước ra khỏi vùng an toàn của họ, và cũng nhận ra rằng chúng ta đều có nhiều khả năng hơn chúng ta tưởng để biến những việc tưởng chừng như khó khăn trở nên “dễ thở” hơn. Chúng ta hoàn toàn có khả năng xoay chuyển tình thế và biến những việc khó bằng cách điều chỉnh tình huống để giảm thiểu sự không thoải mái của bản thân.
Ví dụ, nếu bạn cũng giống như tác giả bài viết này và cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện trong một nhóm đông người ồn ào, hãy cứ tìm cho mình một góc yên tĩnh. Nếu bạn ghét nói chuyện trước công chúng và những sự kiện, hãy tìm cơ hội trao đổi trong những nhóm ít người.
Cuối cùng, hãy can đảm lên.
Để bước ra khỏi vùng an toàn, bạn phải thực hiện công việc dù bạn chẳng hề thoải mái. Bạn phải đề ra việc cần làm và ép mình thực hiện, sau đó bạn sẽ nhận ra rằng việc bạn đã sợ chẳng hề đáng sợ tí nào.
Ví dụ, trước đây tôi không bao giờ thoải mái khi đứng nói trước nhiều người. Khi học bậc thạc sĩ, tôi đã đăng ký học lớp nói chuyện trước công chúng. Trong các buổi học đầu tiên thầy giáo có yêu cầu chúng tôi trình bày trước cả lớp và vẫn cho phép nhìn giấy chi chú. Từ buổi học thứ ba trở đi, thầy giáo không cho nhìn ghi chú nữa và yêu cầu chúng tôi phải tự trình bày. Mọi người trong lớp học đều lo lắng, nhưng chúng tôi đều thuyết trình rất suôn sẻ. Chúng tôi dần dần đã trình bày hiệu quả hơn và tự nhiên hơn. Nếu thầy không ép buộc chúng tôi, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được như vậy.
Bạn cứ bắt đầu với từng bước nhỏ nhất. Hãy đăng ký học nói chuyện trước công chúng trước khi bạn trình bày tại một hội thảo trong ngành. Trước khi trình bày với các sếp lớn, bạn hãy luyện tập với các nhóm nhỏ như đồng nghiệp của bạn, và bạn có thể xin lời khuyên cũng như những câu hỏi thách thức từ họ để bạn tập làm quen.
Bạn có thể sẽ vấp váp, nhưng không sao, vì đó là cách bạn vượt ra khỏi vùng an toàn và tự phát triển bản thân mình. Thất bại chỉ là chuyện nhỏ, không dám thực hiện chôn vùi tuổi trẻ mới là sai lầm lớn. Và đó cũng chính là khi bạn nhận ra những sai lầm nhỏ là không thể tránh khỏi , và là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi của bạn. Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy yếu ớt trong những tình huống ngoài vùng an toàn của bạn, bạn vẫn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ. Hãy thành thật với bản thân, điều chỉnh hành vi và can đảm vượt qua. Tôi chắc rằng bạn sẽ hài lòng vì đã tạo cho mình cơ hội phấn đấu, học hỏi và mở rộng khả năng của mình.
Nguồn: HBR