Khi bạn đã nắm toàn bộ thông tin về sản phẩm như giá cả, chất lượng và đã quyết định sẽ mua sản phẩm đó. Tuy nhiên bạn không biết mua ở đâu cho bạn thuận tiện nhất? Đây là câu hỏi cho các doanh nghiệp, cần thiết kế một hệ thống phân phối sao cho tiện lợi nhất cho người tiêu dùng.
Điều này các nhà sản xuất nước ngoài như: Procter & Gamble (P&G), Unilever, Pepsi, Coca – Cola, Kirin, Unza, Dutch Lady, Ajinomoto… đã làm rất tốt. Họ chăm sóc từ kênh phân phối siêu thị hay các cửa hàng tạp hóabán lẻ, sao cho hàng hóa đến tay tất cả người tiêu dùng một cách nhanh chóng nhất. Còn đối với các sản phẩm Việt thì sao? Bò sữa Long Thành với nhãn hiệu Lothamilk – chúng ta đã rất quen với thương hiệu này, sản phẩm rất đạt chất lượng. Tuy nhiên để mua được một hộp sữa tươi Long Thành thì không phải cửa hàng nào cũng có để phục vụ cho khách. Điều này, đáng để các doanh nghiệp suy nghĩ.
Yếu về mặt phân phối
Nhiều tiểu thương cho biết, chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp là những điểm mạnh của các nhãn hàng này và thực tế là hiện tại, đa số tiểu thương các chợ truyền thống đang bán đến 70% hàng hóa có thương hiệu ngoại (phần lớn nhà máy đặt ở Việt Nam). Điều dễ nhận biết nhất là hàng hóa của họ vô cùng tiện lợi, dễ mua với những gói dầu gội, gói bột nêm, kem dưỡng da, cà phê, sữa tắm… giá chỉ 500 đồng và bán rất chạy. Mặc dù những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất của Việt Nam như: Vinamilk, Kinh Đô, Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát… đã mở rộng mạng lưới phân phối của mình một cách tích cực và rộng khắp, song nhìn chung nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng khác của Việt Nam vẫn loay hoay với việc thiết lập một mạng lưới phân phối riêng của mình. Về mặt chăm sóc đại lý và các tiểu thương bán hàng, hàng hóa “thuần Việt” cũng chưa thể sánh ngang với hàng của các tập đoàn nước ngoài đóng tại Việt Nam mà tiêu biểu là 2 tên tuổi “khổng lồ” Unilever và P&G.
Cần đầu tư nhiều hơn cho việc phân phối hàng.
Các yếu tố như thời gian, tiền bạc và kinh nghiệm khi xây dựng khâu phân phối chuyên nghiệp là những đòi hỏi lớn nhất cho các DN sản xuất hàng Việt Nam nói chung. Trong đó, yếu tố chi phí là khá nặng nề, bởi với một DN có thị phần chưa lớn mà xây dựng hệ thống cửa hàng riêng phải rất cẩn trọng vì phải đầu tư khá tốn kém. Mặc dù vất vả, nhưng muốn tồn tại lâu dài, DN nhất thiết phải quan tâm xây dựng tốt khâu phân phối. Hiện tại, ngoài hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp còn phải đầu tư cho hệ thống cửa hàng riêng, các đại lý, cửa hàng tạp hóa hay ngay cả chợ, ngoài ra phải nhắm đến những đầu mối phân phối khác trong tương lai để mở rộng thị phần
Các doanh nghiệp cần xác định rõ rằng: “khách hàng là thượng đế”, khách hàng không những đòi hỏi hàng chất lượng, giá cả vừa phải mà còn là sự tiện lợi, nhanh chóng nhất có thể.
Nguồn: Tạp Chí Bán Lẻ