5G Chưa chính thức đi vào hoạt động, 6G đã bắt đầu được định hình – DMSpro Co., LTD | Sales and Distribution Management Solution

5G Chưa chính thức đi vào hoạt động, 6G đã bắt đầu được định hình

  • Danh mục: Công Nghệ Cao

Chưa một quốc gia nào trên thế giởi chính thức triển khai mạng 5G, nhưng các kỹ sư công nghệ tại Đại học Oulu (Phần Lan) đã bắt đầu nghiên cứu về mạng 6G.

Theo trang công nghệ PCMag, Viện Hàn lâm Phần Lan vào hôm qua (20/4/2018) đã công bố quỹ dự án “6Genesis” – một chương trình nghiên cứu kéo dài 8 năm để khái niệm hóa mạng 6G dưới sự giám sát của Trung tâm Truyền thông Không dây của Đại học Oulu. Oulu – thành phố nhỏ ở phía Bắc Phần Lan – là một trung tâm trọng yếu đối với sự phát triển của mạng 5G. Tại đây từng nổi lên vô số các startup về 5G cũng như nhiều cuộc thi hackathon liên quan công nghệ này.

Trong bản báo cáo đề xuất về 6Genesis, giám đốc Matti Latva-aho giải thích rằng “mỗi 10 năm lại có một thế hệ di động mới xuất hiện, do đó 6G sẽ được đưa vào hoạt động vào khoảng năm 2030 nhằm thỏa mãn mọi kỳ vọng mà 5G chưa đáp ứng được, cũng như những công nghệ mới sẽ được định nghĩa ở một giai đoạn sau này“.

Đoạn video dưới đây cho thấy tầm nhìn khá… “ảo diệu” của 6Genesis về năm 2037. “Intelligent Personal Edge” trong đoạn video là một thiết bị điện thoại được tích hợp AI và hoạt động dựa vào điện toán đám mây, với giao diện hình chiếu, và có khả năng theo dõi sức khỏe người dùng. Quần áo cũng có thể theo dõi sức khỏe. Các sản phẩm khác thì có khả năng “cấu hình siêu nhanh” và giao diện hologram. Những chai nước thậm chí cũng được trang bị các màn hình hiển thị thông tin trực tiếp. Thay vì xe hơi, chúng ta có “dịch vụ di chuyển di động”. Còn các thành phố thì sao? Chúng có những dịch vụ an toàn và tiện nghi do AI mang lại.

Tầm nhìn 2030: xã hội của chúng ta được lèo lái bởi dữ liệu, được hiện thực hóa bởi kết nối không dây không giới hạn và gần như tức thời” – đó là những gì bản báo cáo 6Genesis khẳng định. Mạng không dây mới sẽ sử dụng “công nghệ điện toán và trí tuệ nhân tạo phi tập trung, cũng như các chất liệu và ăng-ten ở mức tần số rất cao” – Matti cho biết.

Điều đó có nghĩa là “các nghiên cứu định hướng radio theo hướng phạm vi THz (TeraHertz)” và “các ứng dụng tích hợp AI”.

6G sẽ vượt qua 5G như thế nào

Với việc chuẩn 5G vừa được “chốt sổ” và các mạng 5G đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay, chúng ta vẫn chưa biết được hiệu ứng 5G lên xã hội sẽ ra sao. Giám đốc Verizon Andrea Caldini chỉ ra tại MWC năm ngoái rằng 4G, nhờ tốc độ upload cực cao, đã giúp Snapchat xuất hiện và trở nên phổ biến. Trước đó, khi phát triển công nghệ 4G, chẳng ai nghĩ về một thứ gì đó tương tự như Snapchat cả.

Các nhóm nghiên cứu 6G ban đầu sẽ tập trung vào khám phá những công nghệ chưa thể thành hiện thực, nhưng những công nghệ đó sẽ góp phần vào sự tiến hóa của những thứ mà ngành công nghiệp đang làm với 5G ở thời điểm hiện tại. Ví dụ như tần số radio TeraHertz: để có thể đạt được tần số và khả năng thu nhận dữ liệu cực cao, mạng 5G đã đẩy sóng radio lên các tần số nhiều GigaHertz, còn gọi là “sóng millimet”. Do đó sẽ không quá ngạc nhiên nếu 6Genesis kỳ vọng sẽ tiến xa hơn nữa.

Nhóm nghiên cứu cũng sẽ tìm cách đưa ra những khuyến nghị đối với việc ban hành các quy tắc trong một thế giới tương lai tốc độ cao và AI tồn tại khắp mọi nơi. “Bên cạnh những tiến bộ công nghệ, sẽ có một làn sóng thay đổi về mặt xã hội diễn ra bởi sự số hóa hàng loạt các dịch vụ. Nó sẽ tạo ra những động lực và mô hình kinh doanh mới lạ bên cạnh các quy tắc và luật lệ viễn thông mới” – Latva-aho nói.

Phần Lan không phải là nước duy nhất đang nghiên cứu 6G. Năm 2017, CTO của Qualcomm là Matt Grob thừa nhận rằng hãng cũng “đang nghĩ về 6G đôi chút”. Đến lúc này, có lẽ các công ty như Qualcomm đã tập trung đủ vào 5G và “nhường” cho các Viện Hàn Lâm thực hiện những nghiên cứu ban đầu về 6G.

DEMO MIỄN PHÍ PHẦN MỀM QUẢN TRỊ HỆ THỐNG QUẢN LÝ PHÂN PHỐI TẠI DOANH NGHIỆP